Trong đó, Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực.
Ngày 24/9/2014 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2456/QĐ-BTC về việc ban hành quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước, quy định: Hoạt động thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước phải được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; đối tượng thanh tra là các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước; các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải chấp hành các quy định của pháp luật về các khoản chi ngân sách nhà nước thực hiện tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật của các quỹ tài chính do Kho bạc Nhà nước quản lý,…
Nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành KBNN là xác định tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ mà các đối tượng thanh tra gửi đến Kho bạc Nhà nước theo quy định để Kho bạc Nhà nước kiểm soát và thực hiện tạm ứng, thanh toán; đảm bảo các khoản chi theo đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng và trong phạm vi dự toán được giao; việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục đối với chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách qua hệ thống Kho bạc Nhà nước; xem xét, xác định việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Đầu năm 2016, Thanh tra KBNN đã chính thức bước vào thực hiện chức trách thanh tra chuyên ngành do Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó. Đến nay, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã đi được chặng đường hơn 5 năm, đã dần hoàn thiện về cơ chế, chính sách và chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt; được liên tục đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đã từng bước khẳng định về chuyên môn và vị thế “công tác thanh tra chuyên nganh” của hệ thống KBNN.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thanh tra chuyên ngành KBNN đã phát hiện nhiều sai phạm từ các đơn vị được giao quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đồng thời kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý hành chính nhiều tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan. Qua công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN đã giúp nhiều đơn vị thấy được những tồn tại, sai sót trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn NSNN, kịp thời có biện pháp khắc phục để vốn NSNN được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Ngày 11 tháng 7 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; ngày 19/12/2019 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước cụ thể như sau:
- Hành vi vi phạm quy định khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.
- Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước.
- Hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi.
- Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước.
- Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
- Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mỗi hành vi vi phạm được quy định mức phạt bằng tiền cụ thể tại Thông tư số 87/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời phải có biện pháp khắc phục theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, công tác kiểm soát chi KBNN đã từng bước hiện đại hóa theo Để án – Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, Dịch vụ công trực tuyến - KBNN đã được vận hành trên diện rộng, 100% đơn vị sử sụng NSNN đã thực hiện (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng), công tác thanh tra chuyên ngành KBNN sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC làm công tác thanh tra; thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; kiểm tra chặt chẽ việc chi NSNN qua hệ thống KBNN, kể cả các công trình, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ,… hướng đến mục tiêu của Chính phủ và ngành Tài chính đã đề ra “Vốn ngân sách nhà nước phải được quản lý, sử dụng minh bạch, tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”./.