Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến đời sống an sinh xã hội của nhân dân, các gia đình người có công cách mạng; nhiều chính sách trợ cấp xã hội được ban hành cho nhiều đối tượng xã hội. Đặc biệt, sau đại dịch Covid, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tùy theo thẩm quyền từng cấp ngân sách đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích hướng tới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do thiên tai, hỏa hoạn, tác động suy giảm kinh tế hoặc tháo gỡ khó khăn sau đại dịch Covid cho nhiều đối tượng với nhều mức trợ cấp khác nhau …Tuy nhiên, quá trình triền khai thực hiện trong thực tế vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong cách hiểu, cách làm, từng đơn vị, từng cán bộ chưa được thống nhất, chưa được quản lý chặt chẽ, nguy cơ rủi ro cao trong công tác kiểm soát chi qua KBNN…
Thực hiện Công văn số 3430/KBNN-TTKT ngày 13/7/2022 của KBNN về việc triển khai Nghị quyết Quốc hội khóa XV. Hàng năm KBNN Quảng Nam xây dựng kế hoạch, đề cương kiểm tra chuyên đề về kiểm soát, thanh toán các chính sách an sinh xã hội, người có công cách mạng; đây là mãn nghiệp vụ có tính rủi ro cao, những vấn đề nhạy cảm dễ dẫn đến sai sót trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát chi ngân sách Nhà nước. Bên cạnh tham mưu cấp thẩm quyền quyết định thanh tra chuyên ngành (TTCN) các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) thực hiện chi trả chế độ này như phòng Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐTBXH), UBND cấp xã.
Sau 2 năm tập trung kiểm tra, TTCN về chuyên đề chi chính sách XH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phòng Thanh tra – Kiểm tra, KBNN Quảng Nam đã thực hiện kiểm tra nội bộ tại 17 KBNN cấp huyện, với hơn 34 cuộc kiểm tra. Trong đó, chú trọng tổ chức kiểm tra chuyên đề về chi chính sách XH theo đơn vị dự toán có chức năng chi trả các chế độ chính sách, bảo trợ XH là hơn 30 đơn vị dự toán là UBND cấp xã và phòng Lao động – TB và XH huyện. Về TTCN đã thực hiện 04 cuộc thanh tra đối với Phòng LĐTBXH, phòng Giáo dục -Đào tạo huyện, UBND cấp xã.
Kết quả đạt được qua công tác TTCN, kiểm tra nội bộ đã thu hồi nộp trả NSNN số tiền 11.559.760đ do chi không đúng chế độ; xử phạt 01 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN với số tiền 1.500.000đ; đồng thời đã phát hiện chấn chỉnh kịp thời nhiều trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp, chưa thực hiện kiểm soát đơn giá, định mức từng nội dung, đối tượng chi…
Qua công tác Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ xin được trao đổi một số thuận lợi khó khăn và hạn chế về thực hiện chi chính sách người có công cách mạng và các chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua, như sau:
- Về chứng từ kiểm soát chi thực hiện theo quy định tại điểm 10 Điều 6 Thông tư 62/2020/TT-BTC, ngày 22/6/2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN (Thông tư 62/2020) gồm Giấy đề nghị thanh toán; Mẫu 07 (Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng); kèm Mẫu 10 (Bảng kê kinh phí đã chi trả cho đối tượng được hưởng...): đơn vị sử dụng ngân sách kê số tiền đã tạm ứng chi trả, số đã chi trả, số còn lại chưa chi trả (trên cơ sở Bảng quyết toán số liệu giữa đơn vị với TCDVCT), chấp hành mẫu chứng từ theo quy định.
- Việc chi trả thông qua tổ chức dịch vụ thanh toán theo hợp đồng giữa cơ quan Lao động -Thương binh và Xã hội với tổ chức dịch vụ chi trả (TCDVCT) trên địa bàn. KBNN thực hiện tạm ứng kinh phí ngay từ đầu tháng theo đề nghị của cơ quan LĐTB và XH, chuyển ngay cho đơn vị nhận TCDVCT (Bưu Điện). Nhờ vậy, các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách người có công; bảo trợ XH… nhận tiền trợ cấp kịp thời ngay từ đầu tháng qua TCDVCT (Bưu điện).
- Một số khoản chi trực tiếp từ đơn vị sử dụng ngân sách (UBND cấp xã, cơ quan Lao động Thương binh và XH huyện) cho đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội là một số khoản chi không thường xuyên (Chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch covid – 19; chi hỗ trợ lãi suất vay vốn hộ nghèo; chi hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo ...). một số chứng từ nội dung ghi trên Giấy rút dự toán NSNN; Mẫu số 07 (Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng) có kê số lượng, định mức, đơn giá thực tế, đúng với quy định.
Tuy nhiên, quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thường xuyên về chính sách người có công CM, chi bảo trợ XH vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, đó là:
- Qua kiểm tra chứng từ lưu tại các đơn vị KBNN thực hiện kiểm soát chi cho thấy còn nhiều trường hợp lưu Mẫu 07 (Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng) chưa ghi đầy đủ, rõ ràng nội dung, số lượng, đơn giá, định mức đối với một số khoản chi trợ cấp, phụ cấp cho con người, không có cơ sở để kiểm soát chi định mức chi theo quy định ( Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội)
- Việc thực hiện chi qua TCDVCT, đa số quyết toán chi trả với đơn vị SDNS chậm, dẫn đến thanh toán tạm ứng với Kho bạc chưa kịp thời theo quy định. Một số trường hợp chưa chi hết đối tượng nhưng vẫn quyết toán đủ số tiền đã tạm ứng, đây cũng là một trong những sơ hở dễ dẫn đến rủi ro do thiếu kiểm tra giám sát.
- Các khoản chi trực tiếp từ đơn vị sử dụng ngân sách cho đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội , nội dung Giấy rút dự toán và Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng (Mẫu 07) ghi chưa rõ ràng đối tượng được hưởng chính sách theo văn bản nào; chưa ghi cụ thể thời gian được hưởng để kiểm tra.
- Có trường hợp kế toán đơn vị SDNS chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc kê khai số lượng, định mức trên Bảng kê (Mẫu 07) thanh toán qua kho bạc, còn tư tưởng đối phó với cơ quan kiểm soát thanh toán; qua kiểm tra, đối chiếu cụ thể một số trường hợp giữa Bảng kê chứng từ thanh toán/ tạm ứng (mẫu 07) đã lưu tại Kho bạc và chứng từ lưu tại đơn vị sử dụng ngân sách chưa khớp đúng về số lượng, đơn giá thực tế; có trường hợp chuyển tiền dựa vào thông báo của BHXH, chưa theo dõi tình hình biến động tăng giảm từng đối tượng bảo trợ để làm cơ sở trích nộp BHYT.
- Hiện nay, Phòng LĐTBXH cấp huyện đã được trang bị phần mềm để quản lý các đối tượng, tuy nhiên quá trình theo dõi, quản lý vẫn chưa được chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phục vụ công tác thanh quyết toán với cơ quan quản lý và chưa kết nối số liệu giữa UBND cấp xã với phòng LĐTBXH huyện, chính vì vậy nhiều trường hợp người hưởng chế độ bảo trợ đã qua đời hoặc thay đổi mức hưởng bảo trợ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ, về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội sẽ không được hưởng mức trợ cấp bảo trợ kể từ ngày báo tử hoặc quá tuổi… nhưng tại Phòng LĐTBXH huyện vẫn kê chi trả, do thông tin từ UBND nơi quản lý đối tượng chưa báo lên cơ quan quản lý chi trả (phòng LĐTBXH huyện) vì chưa có chương trình quản lý lien thông kịp thời.
Ảnh: Công chức phòng Thanh tra – Kiểm tra, KBNN Quảng Nam tổ chức họp,
thảo luận các báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra
Qua những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, bản thân là công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ và thanh tra chuyên ngành xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
1- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chế độ chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công cách mạng, xây dựng cẩm nang về định mức, đối tượng, thời gian... hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên như tập huấn các văn bản liên quan cho công chức cơ quan trực tiếp chi trả, cơ quan tài chính, kiểm soát thanh toán chế độ chính sách người có công, trợ giúp xã hội.
2- Về biểu mẫu kiểm soát, thanh toán, để công tác kiểm soát chi được thuận lợi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung đơn vị tính trên Mẫu 07 (Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng), đồng thời hướng dẫn cách kê trên mẫu 07 sao cho phù hợp tình hình thực tế.
3- Về chương trình quản lý: Tại đơn vị SDNS cần nâng cấp chương trình quản lý, kết nối liên thông dữ liệu giữa UBND cấp xã và phòng LĐTBXH huyện, theo dõi chặt chẽ các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công cách mạng, trường hợp có sự thay đổi đối tượng tăng, giảm... để phối hợp quản lý chi trả kịp thời, đúng chế độ.
4- Tăng cường công tác phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính giữa cơ quan quản lý đối tượng hưởng chế độ chính sách; đơn vị làm dịch vụ chi trả; cơ quan kiểm soát thanh toán. Từng CBCC, từng bộ phận, từng cơ quan quản lý tài chính phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chấp hành đúng thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử trong thi hành công vụ. Có như vậy, mới thực hiện tốt vai trò quản lý, chi trả chế độ theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra./.