Quy mô địa bàn
Huyện Thăng Bình – tỉnh Quảng Nam có địa bàn tương đối rộng lớn, nằm ở trung độ, có diện tích tự nhiện khoảng 412,25 km2, với 22 đơn vị hành chính xã, thị trấn; trung tâm huyện cách Tam Kỳ 25 km.
Số lượng đơn vị giao dịch có quan hệ với KBNN Thăng Bình là 150 đơn vị, với lượng tài khoản được mở và sử dụng, bao gồm tài khoản dự toán và tài khoản tiền gửi là: 305 tài khoản.
Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước của huyện: 2.061,8 tỷ, trong đó thu ngân sách trên địa bàn là: 279,6 tỷ. Tổng chi ngân sách nhà nước qua KBNN: 2.833,8 tỷ, trong đó chi ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) là: 2.680,5 tỷ.
5 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước đã thu: 788,9 tỷ, trong đó thu ngân sách trên địa bàn là: 142,6 tỷ /448, 07 tỷ đạt 31,8% kế hoạch huyện giao. Tổng chi ngân sách nhà nước qua KBNN: 891,4 tỷ, trong đó chi ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) là: 831,8 tỷ.
Hiệu quả và những lợi ích
Thực hiện Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Theo đó, đến 31 tháng 12 năm 2020, việc tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến (mức độ 4) được triển khai tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng) có giao dịch với các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên toàn quốc.
Chấp hành chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước, KBNN Quảng Nam, KBNN Thăng Bình đã ban hành công văn số 23/KBTB-GDV ngày 06 tháng 05 năm 2020 gửi đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Kế hoạch thực hiện tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước được KBNN Thăng Bình triển khai từ giữa tháng 05 năm 2020 theo từng nhóm đơn vị. Qua hơn ba tháng triển khai, đến đầu tháng 09 năm 2020 đã đạt 100% đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư trên địa bàn tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước. Hiện nay, lượng hồ sơ, chứng từ giao dịch qua dịch vụ công đạt 100%; giao dịch tiền mặt giảm rõ rệt, hiện còn khoảng dưới 5%.
Ban đầu khi tham gia sử dụng dịch vụ công các đơn vị còn lúng túng, chưa quen với cách làm mới, hiện đại nhưng đến nay đã thành thạo, phấn khởi.
Qua trao đổi với anh Trần Văn Sỹ - Kế toán xã Bình Định Nam, trước đây khi chưa tham gia sử dụng dịch vụ công, mỗi tháng anh phải đến kho bạc để giao dịch bình quân 6 – 7 lần, riêng tháng cuối năm phải trên 15 lần. Công tác phí trả theo hình thức khoán/tháng, mức tối đa là 500.000 đồng tùy theo khoảng cách. Như đơn vị của anh, khi đến giao dịch với Kho bạc (khoảng cách 13 km) được khoán với mức 300.000 đồng/tháng. Hay như, đơn vị xã Bình Lãnh, chị Lê Thị Bảy – kế toán cho biết: Số lần đến giao dịch với Kho bạc cũng tương tự như vậy, nhưng do khoảng cách xa hơn (18km) nên công tác phí được khoán với mức 500.000 đồng/tháng.
Như vây, mỗi năm các đơn vị trên đến giao dịch với Kho bạc bình quân khoảng 60 lần. Sau khi tham gia dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, các đơn vị đã tiết kiệm được chi phí hành chính về công tác phí, cụ thể: Đơn vị xã Bình Định Nam tiết kiệm 18 triệu đồng/năm, xã Bình Lãnh 30 triệu đồng/năm. Nếu tính cho tất cả các đơn vị trên địa bàn huyện Thăng Bình có giao dịch với Kho bạc (150 đơn vị) thì số tiền Ngân sách Nhà nước tiết kiệm được là rất lớn.
Ngoài ra, khi tham gia dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước đã đem đến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư nhiều lợi ích, như: Thực hiện kê khai và tải hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng ký mở và sử dụng tài khoản định dạng pdf; lập chứng từ thanh toán, bảng kê thanh toán theo mẫu trên dịch vụ công; ký số và gửi hồ sơ mà không phải đến Kho bạc; giao dịch với Kho bạc nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet; giảm đi lại và chi phí hành chính… Đồng thời, trên dịch vụ công cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán, góp phần tăng tính minh bạch trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của Kho bạc; qua đó, đơn vị chủ động, kịp thời biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ của đơn vị mình.
Phòng tránh nguy cơ rủi ro
Tuy nhiên, để an toàn, đảm bảo việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư cần phòng tránh nguy cơ rủi ro do lợi dụng chữ ký số, chứng thư số, số tài khoản chương trình dịch vụ công trực tuyến dẫn đến tình trạng gây thất thoát ngân sách nhà nước tại các đơn vị, như: Lộ mật khẩu truy cập; quản lý chứng thư số chưa đúng quy định để người khác có thể sử dụng; giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình được cấp cho người khác quản lý…KBNN Thăng Bình đã ban hành công văn số 17/KBTB-KTNN ngày 08 tháng 03 năm 2021 về việc tăng cường quản lý chứng thư số trong giao dịch điện tử với KBNN đến tất cả các đơn vị trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư cần thực hiện ngay việc cài đặt và sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi NSNN của đơn vị, kịp thời phát hiện và thông báo cho KBNN nơi giao dịch các khoản chi bất thường.
Trước tác động và tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, song hoạt động của KBNN Thăng Bình luôn đảm bảo thông suốt, góp phần thực hiện tốt “Mục tiêu kép” trên địa bàn. Với kết quả đó có thể khẳng định rằng, việc triển khai và tham gia DVCTT của Kho bạc Nhà nước đã đáp ứng thúc đẩy yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành KBNN, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần quản lý Quỹ ngân sách nhà nước an toàn, minh bạch.
Một cảnh giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Thăng Bình